Hoàng Tử Bé, một quyển sách thiếu nhi dành cho người lớn, của nhà văn người pháp Antonie De Saint-Exupéri
Lúc viết blog này, trong đầu tôi lờ nhờ hiện lên hình ảnh nhỏ bạn thân, hẳn là cô nàng sẽ bĩu môi mà rằng "Ôi, lại là The Little Prince hả?". Đúng vậy đấy, hôm nay tôi muốn viết đôi lời cho quyển sách yêu thích nhất của mình "The Little Prince" (Antonie De Saint-Exupéri), cuốn sách thiếu nhi dành cho người lớn.
Phải thừa nhận rằng bản thân là người khó tính trong việc lựa chọn sách đọc, và khó tính ở đây không phải là khó tính theo nghĩa thông thường của các mọt. Bởi tôi không phải là mọt sách mà lại là người kén đọc. The Little Prince rất thành công trong việc khơi gợi sự tò mò từ người đọc khi bắt đầu câu chuyện bằng cách đề cập đến cách tư duy kì quặc của tác giả về bức tranh "con trăn ăn voi" của mình lúc 6 tuổi.
Câu chuyện thật sự bắt đầu khi tác giả gặp tai nạn khi bay qua vùng sa mạc Sahara và gặp hoàng tử bé, lúc đó cậu bé yêu cầu ông vẽ cho mình một con cừu. Nào đoán xem, trong 4 bức hình dưới đây, đâu là bức hình làm hài lòng được hoàng tử bé "khó tính"?
Lối mở đầu truyện của tác giả có đôi chút kì quặc, nhưng câu chuyện của ông tuyệt nhiên không hề kì quặc. Hãy bỏ qua tính logic và nhớ lại bản thân chúng ta khi còn 6, 7 tuổi, việc gặp một cậu bé đến từ hành tinh khác, giữa hoang mạc, và yêu cầu mình vẽ cừu để bảo vệ một bông hoa hồng bởi những cây Baobap là chuyện hết sức bình thường. Bản thân tôi rất thích cách mà tác giả chỉ ra hành tinh của Hoàng tử bé (B612), hoàn toàn thuyết phục. Thay vì quan tâm tới tọa độ, hay vị trí của hành tinh đó trong vũ trụ, mà hãy biết rằng có một hành tinh rất nhỏ, nơi đó có 3 ngọn núi lửa cao bằng khủy chân, một bông hoa hồng, và từng được Hoàng tử bé trông nôm mỗi buổi sáng. Vậy đấy, người lớn chúng ta rất hay số hóa mọi vấn đề. Như khi tả về một căn nhà đẹp, thay vì nói rằng nó có một khu vườn đầy hoa hồng và ban công thì có mấy con chim bồ câu gật gù, thì...không đâu người lớn sẽ chả hiểu nó đẹp như thế nào cho đến khi ai đó nói căn nhà đó tầm mấy trăm tỉ. Đúng là lối viết của tác giả có hơi phiến diện, nhưng thành thật đi, người lớn chúng ta không ai lại đi phủ nhận rằng một căn nhà trị giá mấy trăm tỉ là không đẹp cả.
Tôi rất thích lối hành văn của tác giả, cực kì đơn giản, hơi triết lí, nhưng rất sâu sắc. Mỗi câu chữ là một bài học nhỏ trong cuộc sống để cho ta ngẫm nghĩ. Ví dụ như bài học về loài cây Baobap của Hoàng tử bé. Baobap là một loài cây thường thấy ở những cánh đồng cỏ rộng lớn ở châu Phi, nhưng đối với hành tinh B612, nó thật sự là một mối đe dọa. Bởi vậy mà mỗi buổi sáng, Hoàng tử bé lại phải dọn dẹp hành tinh của mình, bởi những mối họa to lớn kia, dù gì thì chúng cũng từng là mấy mầm non bé tí thôi, rất dễ bị loại bỏ.
Trong hành trình của mình, Hoàng tử bé đã đi qua nhiều nơi, và có những suy nghĩ rất riêng về thế giới. Đó thật ra chính là suy nghĩ của tác giả về cuộc sống, con người, và thế giới mà ông đang sống. Ai cũng vậy, rồi cũng phải lớn lên, rời bỏ hành tinh bé nhỏ của mình để khám phá vũ trụ rộng lớn. Điều đáng buồn là tôi lại nhìn thấy chính bản thân mình mắc kẹt đâu đó trong những hành tinh nhỏ bé mà Hoàng tử bé đã đi qua.
Quyển sách cũng dạy tôi khá nhiều về tình yêu và tình bạn. Không ai đọc mà có thể bỏ qua những chi tiết về bông hoa hồng và chú cáo nhỏ. Bằng lối viết tuy văn ngắn nhưng có vần điệu, câu chuyện của tác giả đến đây đẹp và lãng mạn tựa một bài thơ.
"And then look: you see the grain-fields down yonder?
I do not eat bread. Wheat is of no use to me.
The wheat fields have nothing to say to me. And that is sad. But you have hair that is the color of gold. Think how wonderful that will be when you have tamed me! The grain, which is also golden, will bring me back the thought of you. And I shall love to listen to the wind in the wheat . . ."
Phải thừa nhận rằng, chú cáo nhỏ (là cáo nhé) không những dạy Hoàng tử bé mà ngay cả chúng ta rất nhiều bài học về tình bạn, tình yêu và trách nhiệm đối với những thứ mà ta yêu thương. Chú cáo giúp Hoàng tử bé nhận ra rằng điều quý giá trong cuộc đời mình chính là bông hoa hồng kiêu kì đang đợi mình ở hành tinh mà mình đã rời đi. Bông hoa hồng, chú cáo nhỏ, phi công (tác giả), hay con rắn độc ranh mãnh chính là tượng trưng cho những mối quan hệ trong cuộc sống mà chúng ta sẽ trải qua, tuy có chút đợm buồn và đôi chút đáng tiếc, nhưng chính những thứ mà ta đang tác động đến làm chúng ta sống, và sống có ý nghĩa.
Kết truyện đối với tôi là một cái kết hơi buồn, nhưng hợp lí. Tôi không rõ mình đã đọc đi đọc lại quyển sách này bao nhiêu lần. Nhưng lần nào đọc, bản thân lại có những cảm nhận không giống nhau, và lại tìm thấy chính mình vương vãi đâu đó trong câu chuyện. Đôi khi thấy mình cứng đầu và thích đặc câu hỏi như Hoàng tử bé, đôi khi lại thấy mình đáng yêu như chú cáo, hay đôi lúc lại thấy bản thân chả khác gì nhà địa chất thu thập số liệu thông tin của các hành tinh.
Đến đây, cá nhân tôi khuyên bạn ít nhất nên đọc cuốn sách này một lần trước khi hoàn toàn trở thành người lớn. Không phải để làm gì cả, chỉ là để bản thân thêm lần nữa cảm nhận thế giới như một đứa trẻ.
Sau khi xuất bản cuốn sách Hoàng tử bé, nhà văn người pháp vào một đêm tháng 7 năm 1944 khi thực hiện một nhiệm vụ quân sự đã bay một mình qua vùng địa trung hải và máy bay của ông đã biến mất. Hoàng tử bé không những là cuốn sách mà tác giả viết cho bạn bè của mình để hiểu về quan điểm của ông đối với thế giới, mà nó cũng được xem như một lời tiên tri trước cho cái chết của ông sau này.
"Then, if a little man appears who laughs, who has golden hair and who refuses to answer questions,
you will know who he is. If this should happen, please comfort me. Send me words that he has come back.- Antonie De Saint-Exupéri".
COMMENTS